Kể từ năm 2021 người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu người lao động nghỉ việc 5 ngày trở lên

Kể từ ngày 01/01/2021 người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động nghỉ việc 5 ngày trở lên

Ngày 20/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, Bộ luật lao động 2019 sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Bộ luật lao động 2019 được ban hành có rất nhiều quy định mới được thay đổi, cập nhật nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động.

Một số điểm mới nổi bật của Bộ luật lao động 2019 như:

Bổ sung khái niệm về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo đó Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động

Thay đổi thời gian thử việc đối với một số công việc lên tới 6 tháng.

Cụ thể theo quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời gian thử việc thì:

– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.

– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nam lên 62 tuổi và người lao động nữ lên 60 tuổi

ld1
Tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng lên tới 62 tuổi

Cụ thể, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là từ đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Tăng số ngày nghỉ lễ dịp quốc khánh

Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm.

Và như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong đó: Tết Dương lịch: 01 ngày; Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng (30/4 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động (01/5 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc khánh: 02 ngày; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày.

Trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.

Xoá bỏ hợp đồng lao động theo mùa vụ

Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì luật không còn quy định hợp đồng lao động lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng mà chỉ còn 02 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ngoài các điểm mới đáng lưu ý trên, có một quy định mới mà người lao động phải đặc biệt lưu tâm là người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà không cần phải báo trước nếu người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Cụ thể tại Điều 36 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động”.

Quy định này được ban hành tạo điều kiện rất lớn cho người sử dụng lao động trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khiến cho người lao động gặp nhiều rắc rối khi người sử dụng lao động cố tình lạm dụng quy định này để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Do vậy để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động nên lưu ý quy định trên để thực hiện trong thời gian duy trì quan hệ lao động.

Trên đây là bài viết “Kể từ ngày 01/01/2021 người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động nghỉ việc 5 ngày trở lên” của Luật sư Bình Dương – Công ty Luật 2A.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hoặc sử dụng dịch vụ của Công ty vui lòng liên hệ:

Công ty Luật 2A.

Địa chỉ: 106, đường N15, KDC-DV Tân Bình, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 0924 198 299.

Zalo: 0924 198 299 – Facebook: Luật sư Bình Dương – thành phố Hồ Chí Minh

Trân trọng cảm ơn!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận