Sau khi ly hôn mẹ mất, bố có quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con?
Sau khi ly hôn mẹ mất, bố có quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con?
Câu hỏi được anh Hoàng Văn H gửi đến Công ty Luật 2A như sau:
Xin chào luật sư, tôi tên Hoàng Văn H, sinh năm 1981,hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi về quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn.
Tôi và bà N kết hôn năm 2002, chúng tôi có một con chung sinh năm 2009. Tới năm 2010 vợ chồng tôi phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chúng tôi đã ly hôn. Do thời điểm đó con tôi còn nhỏ nên tòa giao cho vợ tôi trực tiếp nuôi dưỡng. Cuối năm 2017, vợ tôi bị bệnh nên hai mẹ con về quê sống với ông bà và điều trị bệnh. Tới tháng 10/2019 vợ tôi qua đời. Nay tôi muốn đến thăm con và được đón con về nuôi nhưng ông bà ngoại không đồng ý. Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi theo quy định của pháp luật thì trường hợp này tôi có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con qua cho tôi được không? Nếu được mong luật sư hướng dẫn giúp tôi thủ tục và các hồ sơ cần nộp. Chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn.
Chào anh, lời đầu tiên cho luật sư được gửi lời chào, lời chúc sức khỏe tới anh, chúc anh luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Luật sư rất cảm ơn anh vì đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới cho luật sư, với nội dung câu hỏi của anh, luật sư có ý kiến tư vấn cho anh như sau:
Về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
Theo quy định của tại Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Bên cạnh đó, Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Căn cứ vào các quy định trên, thì việc bố mẹ vợ của anh có hành vi cản trở không cho anh tới thăm con là vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, trong trường hợp vợ anh đã qua đời thì anh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Cụ thể như sau:
Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Xét trong vụ việc này, vợ anh đã qua đời, do vậy anh có thể căn cứ vào việc “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” để đề nghị Tòa án giao con cho anh nuôi để đảm bảo quyền lợi và sự phát triển về mọi mặt của con.
Hồ sơ đề nghị Tòa án thay đổi người nuôi con sau ly hôn:
Để đề nghị Tòa án giải quyết thay đổi người nuôi con sau ly hôn của anh, anh cần chuẩn bị các giấy tờ sau để nộp tới Tòa án.
- Đơn khởi kiện về việc thay đổi người nuôi con sau ly hôn (bản chính)
- Bản án hoặc quyết định ly hôn trước đây giải quyết về việc ly hôn của vợ chồng anh chị (bản sao)
- Giấy khai sinh của con (bản sao)
- Hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận nơi cư trú của con hoặc vợ anh (bản sao)
- Giấy chứng tử của vợ anh (bản sao)
Thủ tục đề nghị Tòa án thay đổi người nuôi con sau ly hôn:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện để nộp tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trong trường hợp này, anh có thể lựa chọn nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ anh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi con của anh đang cư trú.
Bước 2: Liên hệ với tòa để hồ sơ được thụ lý, nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 thì tạm ứng án phí đối với vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là: 300.000 đồng.
Bước 3: Tham gia làm việc với Tòa án, cung cấp lời khai, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Bước 4: Tham gia phiên tòa xét xử về việc thay đổi người nuôi con sau ly hôn
Bước 5: Yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Công ty Luật 2A. Nếu anh muốn tư vấn thêm hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ của Công ty Luật 2A vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Công ty Luật 2A.
Địa chỉ: 106, đường N15, KDC-DV Tân Bình, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 0924 198 299 – 0971 491 595.
Zalo: 0924 198 299 – 0971 491 595
Facebook: Luật sư Bình Dương – thành phố Hồ Chí Minh
Trân trọng cảm ơn!
Bài viết liên quan
Hướng dẫn nộp đơn khởi kiện tại Dĩ An
Hướng dẫn nộp đơn khởi kiện tại Dĩ An. Nộp đơn khởi kiện tại Dĩ An. Thủ tục nộp đơn khởi kiện tại Dĩ An. […]
Mẹo nhỏ giúp bạn ly hôn nhanh tại Bình Dương
Mẹo nhỏ giúp bạn ly hôn nhanh tại Bình Dương. Ly hôn nhanh tại Bình Dương. Luật sư tư vấn ly hôn tại Bình Dương. […]
Luật sư làm chứng tại Bình Dương
Luật sư làm chứng tại Bình Dương. Làm chứng tại Bình Dương. Luật sư Bình Dương. Lập di chúc tại nhà ở Bình Dương. Lập […]
Thủ tục nộp đơn khởi kiện tại Bình Dương
Thủ tục nộp đơn khởi kiện tại Bình Dương. Nộp đơn khởi kiện tại Bình Dương. Hồ sơ khởi kiện tại Bình Dương. Luật sư […]
Số điện thoại Tòa án Thuận An
Số điện thoại Tòa án Thuận An. Số điện thoại Tòa án thành phố Thuận An. Điện thoại của Tòa án Thuận An. Thông tin […]