Có được đòi nợ trước hạn khi cho vay tiền không

Có được đòi nợ trước hạn khi cho vay tiền không?

Yêu cầu tư vấn:

Thưa luật sư, tôi tên Phạm Thị T, sinh năm 1973, hiện tôi đang sống tại khu phố Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Năm 2018, tôi có cho bà Hồ Như N, cư trú tại Khu phố Bình Minh 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương vay 300 triệu đồng, lãi suất 2%/tháng, bà N phải trả tiền lãi cho tôi vào ngày 10 tây hàng tháng. Chúng tôi thỏa thuận thời hạn vay 03 năm từ ngày 20/01/2018 tới ngày 20/01/2021. Khi cho vay, tôi và bà N có lập hợp đồng vay, bà N có đưa cho tôi một cuốn sổ đỏ để làm tin. Sau khi giao tiền cho bà N vay, hàng tháng bà N vẫn trả tiền lãi cho tôi. Nhưng bắt đầu từ khoảng tháng 12/2019 đến nay, bà N không tới trả tiền lãi cho tôi. Tôi có tới nhà bà N để đòi thì bà N nói rằng chưa có tiền nên xin tôi thêm một thời gian nữa nhưng sau đó vẫn không trả.

Vì tôi thấy bà N đang có ý định trốn nợ, không trả tiền lãi cho tôi, tôi sợ mất luôn cả tiền gốc nên tôi muốn đòi lại số tiền tôi đã cho bà N vay. Nhờ luật sư tư vấn cho tôi là tôi có thể đòi lại tiền của bà N không? Nếu bà N không chịu trả thì tôi phải làm thế nào?

Luật sư tư vấn:

Thay mặt Công ty, luật sư rất cảm ơn chị vì đã gửi tin nhắn tới cho luật sư. Với nội dung vụ việc của chị, Luật sư có ý kiến tư vấn cho chị như sau:

Việc vay-cho vay tiền là quan hệ vay tài sản – một dạng quan hệ dân sự thường xuyên phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Để điều chỉnh quan hệ trên, Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra rất nhiều quy định cụ thể để hướng dẫn người dân thực hiện cũng như để giải quyết nếu như các bên có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng vay.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định cụ thể tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Cùng với đó, việc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn được giải quyết như sau:

“Điều 470. Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn    

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

unnamed
Luật sư tư vấn đòi nợ gọi 0924 198 299 – 0971 491 595

Căn cứ vào những quy định trên, Luật không quy định về việc quyền đòi lại tài sản vay trước hạn đối với hợp đồng vay có kỳ hạn.

Nhưng có một điểm đặc biệt cần lưu ý đối với hợp đồng vay nói riêng và hợp đồng nói chung là quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.

Cụ thể, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Khái niệm vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng được hiểu như sau: “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.

Xét trong trường hợp của chị, mục đích chị cho vay là để lấy tiền lãi. Do vậy, trong hợp đồng vay, hai bên có thỏa thuận về lãi suất và nghĩa vụ trả lãi của bà N. Bà N không trả lãi cho chị từ tháng 12/2019 tới nay làm cho chị không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng hay nói cách khác là bà N đang vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.

Do vậy, chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bà N trả lại số tiền đã vay của chị và tiền lãi theo lãi suất hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, bồi thường thiệt hại cho chị (nếu có).

Chị có thể gửi thông báo hoặc trực tiếp tới gặp bà N để thông báo về việc chị đơn phương chấm dứt hợp đồng do bà N vi phạm nghĩa vụ trả tiền lãi hàng tháng cho chị.

Trường hợp bà N không thực hiện thì chị phải thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân nơi bà N cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú).

Về hình thức đơn khởi kiện và thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện, chị có thể tham khảo tại đây

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư đối với câu hỏi của chị, trường hợp chị còn thắc mắc muốn luật sư tư vấn cụ thể hơn hoặc có nhu cầu nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị, chị vui lòng liên hệ lại với Văn phòng luật sư của chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật 2A.
Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 0924 198 299 – 0971 491 595.
Zalo: 0924 198 299 – 0971 491 595
Facebook: Luật sư Bình Dương – thành phố Hồ Chí Minh
Trụ sở chính: 106, đường N15, KDC-DV Tân Bình, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Trân trọng cảm ơn!

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận